Trường Cao Đẳng Lương Thực - Thực Phẩm

TRƯỜNG CAO ĐẲNG LƯƠNG THỰC - THỰC PHẨM

Trụ sở văn phòng chính:  101B Lê Hữu Trác - Sơn Trà - Tp Đà Nẵng.
   0898.239888 - 0236.3831841 - Website: https://cfi.edu.vn/ - Fanpage: https://www.facebook.com/cfi.edu.vn

Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh:  296 Lưu Hữu Phước - Phường 15 - Quận 8 - TP Hồ Chí Minh.
  028.38776919 -  Website: 
http://phanhieuhcm.cfi.edu.vn/

 

Sinh hoạt chuyên đề Hành trình về địa chỉ đỏ chi bộ Giáo viên Kinh tế Sinh hoạt chuyên đề Hành trình về địa chỉ đỏ chi bộ Giáo viên Kinh tế

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tạo bầu không khí thật sự dân chủ, cởi mở, Chi bộ Giáo viên Kinh tế tổ chức chuyến tham quan chuyên đề “Hành trình về địa chỉ đỏ” tại Thừa thiên Huế.

Đoàn tham quan và dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ

Điểm đầu tiên đoàn dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan - di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là ngôi nhà đầu tiên Nguyễn Sinh Cung đã sống cùng gia đình ở Huế. Di tích này là mảnh ghép quan trọng góp phần lý giải, làm sáng tỏ cho một giai đoạn quan trọng trong tiểu sử của Hồ Chí Minh. Đây là thời kỳ đặc biệt quan trọng để hình thành nên nhân cách, lòng yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và trong thời kỳ này, Người đã để lại những dấu ấn sâu sắc tại mảnh đất Cố đô, trở thành một phần quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của Thừa Thiên Huế hôm nay.

Năm 1895, cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa gia đình vào Huế sinh sống để có điều kiện theo học Trường Quốc Tử Giám, chuẩn bị bài vở cho kỳ thi Hội tiếp theo. Được người quen giới thiệu, gia đình cụ Sắc đã thuê được một căn nhà nhỏ nằm trong khu vực thành nội. Ngôi nhà tuy đơn sơ, giản dị với ba gian nhà gỗ, tường bằng gạch vồ, mái lợp ngói liệt; nhà bếp bằng tranh tre, nứa lá nhưng lại chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm tháng thiếu thời trên đất Huế. Ngôi nhà này xưa còn ở gần nhà của ông Hoàng Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi, linh hồn của Cần Vương; bên cạnh đó là hai trường võ quan của triều đình Huế: Trường Anh Danh và trường Giáo Dưỡng - địa bàn này là trọng điểm của trận địa chống Pháp năm 1885. Đặc biệt, nơi gia đình Người sống còn gần miếu Âm Hồn, ngôi miếu thờ đồng bào và chiến sĩ trận vong trong sự kiện Thất thủ Kinh đô, được xây dựng năm 1895. Những năm tháng sống trong khu vực Thành nội, vốn là một cậu bé thông minh thích tìm tòi, cậu Cung thường hay lui tới chơi ở khu vực miếu, tham gia các buổi lễ cúng âm hồn các chiến sĩ trận vong, cùng cảm nhận tình cảm của đồng bào, xót thương cho những người bị nạn, căm giận sự tàn ác của bọn thực dân cướp nước, nuôi mối hận quân thù trong nhận thức đầu tiên của tuổi thơ của Người.

Tiếp theo chương trình, đoàn tiếp tục di chuyển về phía tây của thành phố Huế, đến với Khu di tích lịch sử Chín Hầm. Khu di tích Tử ngục 9 hầm nằm giữa một vùng đồi thông nhỏ, ở độ cao khoảng 35m so với mực nước biển thuộc núi Thiên Thai.

Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm

Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng khu vực này làm kho chứa vũ khí để đánh Nhật. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, từng đoàn xe của Nhật chở vũ khí về Huế, căn hầm bỏ trống. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, chúng đã sử dụng những căn hầm này thành nơi giam giữ tù binh. Sau năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống Việt Nam Cộng hòa với những chính sách “Tố cộng - Diệt cộng” của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, đặc biệt dưới bàn tay Ngô Đình Cẩn và bè lũ tay sai đã cải tạo khu vực này thành khu vực nhà giam Chín Hầm (gọi là Chín Hầm nhưng thực chất chỉ có 8 hầm và một trại gác của lính) thành nơi giam giữ, tra tấn và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trên dải đất miền Trung. Bản chất “Lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn là một người phong kiến, tư tưởng nông dân, tín ngưỡng thiên chúa, độc tài gian ác mưu mô xảo quyệt, đã gây ra nhiều tội ác đối với sinh viên, học sinh, phật giáo, công thương kỷ nghệ gia, các nhân sỹ trí thức đặc biệt các chiến sỹ cộng sản. Dưới tay Cẩn là một bè lũ tay sai như: Phan Quang Đông, Đặng Sỹ, Dương Văn Hiếu, Lê Khắc Duyệt, Vũ Đình Ban, Nguyễn Chữ, Trần Văn Hương. Trong thời gian cầm quyền, Ngô Đình Cẩn đã tổ chức bắt những chiến sĩ cộng sản hoạt động tại miền Trung, những người chống đối hay những người có tư thù với mình. Với những chính sách khắc nghiệt, Ngô Đình Cẩn bị nhân dân lên án dữ dội.

Bên cạnh nhiều di sản văn hóa, lịch sử… xứ Huế từ lâu còn nổi tiếng với các làng nghề độc đáo chứa đựng hồn cốt của đất Cố đô, các đảng viên trong chi bộ tiếp tục tham quan Làng hương Thủy Xuân, nơi đã chuyên cung cấp hương trầm cho triều đình và quan lại nhà Nguyễn cũng như cả vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Đến nay, nghề làm hương vẫn được người dân ở làng Thủy Xuân tiếp tục duy trì và lưu giữ nét đặc trưng tạo nên thương hiệu hương Thủy Xuân là dù trải qua hàng trăm năm nhưng dân làng vẫn giữ được cách làm hương truyền thống.

Mỗi cây hương trầm từ nguyên liệu thô sơ đến lúc hoàn thiện phải qua nhiều công đoạn khác nhau, nhưng đều được làm bằng phương pháp thủ công. Nguyên liệu làm hương cũng được các "nghệ nhân" lựa chọn kỹ càng, hoàn toàn từ thiên nhiên, không sử dụng hóa chất. Kèm với đó là công thức pha chế bộ hương riêng biệt đã cho ra những sản phẩm trầm hương vừa chất lượng vừa an toàn sức khỏe, được nhiều người biết đến.

Bên cạnh những giá trị lịch sử là sự gắn kết nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với con người, chuyến đi sinh hoạt chuyên đề chỉ gói gọn trong một ngày nhưng đã giúp đảng viên trong chi bộ hiểu sâu sắc hơn, tự hào và trân trọng hơn những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được.

Hình ảnh và bài viết: Chi bộ Giáo viên Kinh tế

 

 

 

 

Cùng chuyên mục